Viện trưởng Viện Phát triển ứng dụng: TS. Nguyễn Thị Liên Thương – Một trong những tấm gương điển hình về “Người truyền lửa” trong khoa học ứng dụng tại Trường Đại học Thủ Dầu Một

Nguyễn Thị Nga đăng vào 13/05/2021 - 15:10

Hưởng ứng cuộc thi viết về tấm gương điển hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi xin được viết về cô, người giảng viên, người thủ lĩnh, người truyền lửa cho hoạt động khoa học ứng dụng tại Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Cô Liên Thương sinh ra và lớn lên ở Bình Dương – vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên (nay là huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên), vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An. Xuất phát từ đó, mà có lẽ những người con sinh ra ở vùng đất này nói chung và cô Liên Thương nói riêng đã mang trong mình lòng tự hào dân tộc, ý chí phấn đấu và khát vọng cống hiến. Cô đã đạt được học vị là tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học và môi Trường tại Đại học Ulsan-Hàn Quốc. Năm 2013, cô về công tác tại Trường đại học Thủ Dầu Một và trải qua nhiều vị trí công tác như: Giảng viên, Phó Trưởng khoa, Uỷ viên ban chấp hành trung ương Hội hữu Nghị Việt Hàn Việt Nam. Và hiện tại là Giám đốc Viện Phát triển ứng dụng kiêm chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: Cô đã có 12 công bố khoa học quốc tế về tác giả và đồng tác giả từ Đại học Thủ Dầu Một, hướng dẫn thành công 06 đề tài Thạc sĩ. Gửi đăng kí 02 quyền tác giả sáng chế, 03 quyền tác giả bảo hộ kiểu dáng công nghiệp từ Đại học Thủ Dầu Một. Ngoài ra, cô Liên Thương đã thực hiện 12 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu đến doanh nghiệp từ đại học Thủ Dầu Một. Trong đó kể đến các sản phẩm tại Viện Phát triển ứng dụng như Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris), các sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo: Cao Đông Trùng hạ thảo, nhất thảo tửu… đã chuyển giao công nghệ thành công đến doanh nghiệp. Chính vì vậy, Danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” đã được trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng năm 2019 tại Hà Nộị.

Trong công tác giảng dạy: với vai trò của người giáo viên là tổ chức quá trình lĩnh hội tri thức, kĩ năng, kỉ xảo cho sinh viên thì cô luôn tận tình hướng dẫn cho sinh viên về các phương pháp nghiên cứu khoa học, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu. Và cũng chính thành quả nghiên cứu trên là “nguồn lửa” cho cộng sự của mình trong việc không ngừng đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng và định hướng phát triển của các Trường đại học hiện nay. Bởi vì, uy tín của các trường đại học dựa trên sản phẩm khoa học là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành mối quan hệ lâu dài với các quỹ đầu tư khoa học. Chất lượng nghiên cứu là một yếu tố đáng tin cậy với các tiêu chuẩn khắt khe về bình duyệt, biên tập và hệ thống chỉ mục hóa các tạp chí của ISI Web of Science hay Scopus.

Nói về những dự án sắp tới trong bài viết “Nữ tiến sĩ đưa khoa học từ phòng thí nghiệm ra bàn phấn” của tác giả Quỳnh Anh, cô có chia sẻ “Mình và các nhóm nghiên cứu đang phát triển thêm một bước nữa nâng cấp từ các công nghệ chăm sóc sức khỏe thành dược phẩm. Cụ thể là trong nhóm thuốc nano mang dược chất tăng hỗ trợ điều trị về tổn thương tế bào, mô, rút ngắn thời gian lành dựa trên công nghệ thẩm thấu nhanh và trúng đích vào vết tổn thương. Các nghiên cứu này phối hợp giữa các nhóm của trường Đại học Thủ Dầu Một và lâm sàng ở các bệnh viện theo đúng quy trình phát triển các sản phẩm dược ứng dụng.”

Với những thành tích đạt được như trên và cùng với lòng nhiệt huyết, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cô. Tôi tin rằng sẽ có nhiều sản phẩm ứng dụng thực tế hiệu quả, mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế mà cả về giá trị cộng đồng. Điều đó, một lần nữa minh chứng cho khẳng định” người truyền lửa” cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học tại Viện phát triển ứng dụng-Trường đại học Thủ Dầu Một.

 TS. Nguyễn Thị Liên Thương với sản phẩm chuyển giao công nghệ
Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) được nghiên cứu và sản xuất tại Viện phát triển ứng dụng – Trường đại học Thủ Dầu Một
TS. Nguyễn Thị Liên Thương với lớp học sáng tạo STEM

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Thảo