Ngày 9/5/2020, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “Tư tưởng của Lênin với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại trường Đại học Thủ Dầu Một.
Hội thảo được tổ chức vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của V.I. Lênin (22/4/1870 – 22/4/2020) – Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III). Từ chủ đề “Tư tưởng của Lênin với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, hội thảo đã tổng hợp 55 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các giảng viên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị giáo dục có bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị như: Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Khu vực III, Học viện Lục Quân, Học viện Cán bộ TP.HCM, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học KHXH&NV Tp.HCM, Đại học Nguyễn Huệ…
Theo tiêu chí đề ra, Ban Tổ chức đã tuyển chọn 44 bài viết đăng trong kỷ yếu hội thảo, đồng thời hệ thống các bài viết tập trung vào 4 chủ đề. Cụ thể, (1) Vai trò của Lênin trong việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. (2) Giá trị và ý nghĩa của tư tưởng về chủ nghĩa xã hội của Lênin đối với cách mạng Việt Nam. (3) Sự kế thừa, vận dụng, phát triển, sáng tạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta về chủ nghĩa xã hội từ các di sản của Lênin. (4) Sự đóng góp, bổ sung, phát triển của Đảng ta vào tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa của Lênin.
Với sự hỗ trợ của hệ thống phần mềm Microsoft Teams, 06 tác giả đã được Ban tổ chức chọn kết nối để trình bày nội dung nghiên cứu. Các ý kiến tham luận đều tập trung nhấn mạnh những thành tựu vĩ đại trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lênin, những đóng góp của Người cho giai cấp công nhân và người lao động bị áp bức trên toàn thế giới là đặc biệt to lớn và mang đậm ý nghĩa thời đại. Đồng thời, các tham luận cũng đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau nhằm làm rõ những quan điểm của Lênin về chủ nghĩa xã hội, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trong tương quan so sánh với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Nhật Hằng – Phó Hiệu trưởng khẳng định hội thảo là diễn đàn để tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến vĩ đại của Lênin cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Để đạt được mục tiêu đặt ra, TS. Nguyễn Thị Nhật Hằng mong muốn các nhà khoa học, đại biểu tham dự cùng trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm hiểu rõ hơn trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách của V.I.Lênin trong việc bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô-viết; qua đó hiểu sâu sắc hơn những bài học kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. “Từ đó, chúng ta có thêm bản lĩnh để kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại hằng mong muốn” – Phó Hiệu trưởng chia sẻ. |
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại trường Đại học Thủ Dầu Một
Với sự hỗ trợ của hệ thống phần mềm Microsoft Teams, BTC đã kết nối và tương tác với các nhà khoa học, tác giả tham luận để bàn luận các vấn đề nghiên cứu về chủ đề hội thảo
BBT