Chiều ngày 14/4/2025, tại phòng khách 1, trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra Hội nghị trực tuyến quán triệt, thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương, sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2025; lấy ý kiến về Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện, sáp nhập cấp xã do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Lộc Hà – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Võ Văn Minh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh. Hội nghị được trực tuyến đến 110 điểm cầu huyện, xã, các đơn vị Đảng ủy trực thuộc với 12.000 đại biểu tham dự. Tại điểm cầu trường Đại học Thủ Dầu Một, hội nghị có sự tham dự của, PGS.TS Lê Tuấn Anh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Đoàn Ngọc Xuân – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; ThS. Trần Văn Nam – Phó Bí thư Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Ngô Hồng Điệp – Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, cùng các đồng chí BCH Đảng bộ, cấp ủy và đảng viên các chi bộ, đảng bộ bộ phận, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy đã triển khai quán triệt, thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị – hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ. Trong đó hợp nhất tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.Hồ Chí Minh, lấy tên là TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm hành chính đặt tại TP.Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm, Trung ương đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Trung ương đồng ý chủ trương lập tổ chức Đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các Đảng bộ cấp huyện. Việc lập tổ chức Đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương. Bên cạnh đó, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Với định hướng tại Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bình Dương đã khẩn trương, nghiêm túc, tích cực xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính. Triển khai nội dung của hội nghị, bà Nguyễn Minh Thủy – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã quán triệt nội dung cốt lõi của Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, gắn với mô hình tổ chức đảng ở địa phương và sắp xếp cơ quan thanh tra, sắp xếp cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các Hội quần do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp xã. Theo Dự thảo đề án, sau khi sáp nhập 91 xã, phường, thị trấn, Bình Dương sẽ còn 36 đơn vị xã, phường (12 xã và 24 phường), giảm 55 đơn vị. Cụ thể, TP Thủ Dầu Một còn 4 phường; TP Dĩ An còn 3 phường; TP Thuận An còn 5 phường; TP Tân Uyên 5 phường; TP Bến Cát 7 phường; huyện Dầu Tiếng 4 xã; huyện Bàu Bàng 2 xã; huyện Bắc Tân Uyên 2 xã; huyện Phú Giáo 4 xã. Tên các xã, phường mới sau khi sáp nhập và trụ sở chính đang được xem xét, lấy ý kiến người dân và chuyên gia.
Cũng tại hội nghị, ông Bùi Thanh Nhân – Trưởng Ban Dân vận và Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thông qua Kế hoạch tổ chức Hội nghị thảo luận, lấy ý kiến góp ý đối với Phương án kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Bình Dương tiến hành tổ chức lấy ý kiến về địa giới hành chính, tên gọi… Sau khi lấy ý kiến, HĐND tỉnh họp trước ngày 25/4/2025 để hoàn chỉnh Đề án trình Trung ương.

BBT