Tôi nhớ thời điểm tháng 9/2019, khi chúng tôi bung hết sức mình trên sân khấu cho đêm thi diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Bình Dương (do Liên đoàn Lao động Tỉnh tổ chức), thì đứng dưới hàng ghế khán giả là bóng dáng người phụ nữ nhỏ bé điều hành hàng trăm con người cổ vũ đến khản giọng, dù lúc đó đã gần 11g đêm. Và cũng chính người phụ nữ đó mắt nhòe đi khi nghe xướng tên trường đạt giải Nhất tiết mục múa. Đó là nữ thủ lĩnh Công đoàn của chúng tôi, đầu tàu trong hoạt động đoàn thể, người ấy là cô Võ Thị Cẩm Vân.
Sự nghiệp của cô là một quyển sách giản dị nhưng quý giá
Thước phim tua chậm của tuổi trẻ cũng là thước phim in đậm dấu ấn sự nghiệp của cô tại duy nhất một địa điểm: Cao đẳng Sư phạm Sông Bé – tiền thân của trường Đại học Thủ Dầu Một ngày nay. Tháng 9/1990, cô giáo trẻ Võ Thị Cẩm Vân sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn đã được tuyển về công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé, đảm nhiệm vai trò giáo viên dạy Sử. Thanh xuân của cô giáo trẻ gắn với sự nghiệp dạy học và cũng gắn với từng chặng đường phát triển quan trọng của trường trong suốt 31 năm qua. Năm 2003, cô được phân công làm Tổ trưởng Thư viện của trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Từ đây, “nghiệp sách vở” gắn bó với cô như hình với bóng. Để rồi khi trường Đại học Thủ Dầu Một chính thức được thành lập năm 2009, ThS. Võ Thị Cẩm Vân được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Học liệu, cùng với các đồng nghiệp của mình phát triển “kho tri thức” cho hơn 17.000 CB-GV-SV trường.
Từ một phòng thư việc nhỏ với hơn 3.000 bản sách – tài liệu, đến nay Trung tâm Học liệu đã trở thành tòa nhà 2 tầng bề thế với gần 24.000 nhan đề sách, 126.000 bản sách. Tòa nhà nằm yên tĩnh, tách biệt dưới tàn cây rộng mát, gồm không gian phòng đọc, phòng tự học thoáng đãng, hệ thống máy tinh được kết nối wifi miễn phí; phòng mượn được số hóa giúp độc giả nhanh chóng mượn – trả sách sách theo nhu cầu chỉ trong một cái quẹt thẻ. Bên cạnh đó, thư viện điện tử cũng chính thức được vận hành từ năm 2011 kết nối với hàng trăm thư viện lớn nhỏ trong cả nước; kho dữ liệu trực tuyến, tài liệu tham khảo, tra cứu đồ sộ với bản quyền đầy đủ được cung cấp đến GV-SV chỉ bằng một cái “click chuột”. Đó chính là món quà tri thức vô giá mà cô Cẩm Vân cùng các cộng sự của mình tự hào mang lại cho đội ngũ tri thức trường.
Trung tâm Học liệu có 8 nhân sự và 3 cộng tác viên là sinh viên, mỗi người được phân công, phân nhiệm rõ ràng, đảm bảo cho thư viện mở cửa 7 ngày trong tuần và 12 tiếng mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của những “con mọt sách”, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm mùa thi. Là người có thâm niên lâu nhất, kinh nghiệm nhất trong hoạt động thư viện, vậy mà ít ai biết cô đã ngồi hàng giờ nghe bạn chuyên viên trẻ giới thiệu về công cụ số hóa mới nhằm hỗ trợ thư viện hoạt động tốt hơn; hay cặm cụi, mày mò bất kể ngày cuối tuần để dùng thử các tính năng của thư viện điện tử xem có chỗ nào còn bất tiện, còn khó thao tác để điều chỉnh “cho thân thiện và dễ sử dụng với thầy cô lớn tuổi”,… Vậy đó, để đưa ra quyết định, cô sẽ đặt mình vào vị trí của người đối diện để thấy được rằng người trẻ cần được trân trọng, được công nhận và tạo điều kiện phát triển ra sao; để biết một em sinh viên cần thêm không gian học tập nhóm sôi động ngoài không gian cá nhân tĩnh lặng sẵn có của thư viện thế nào,… Trong những ngày tháng bầu bạn với sách, cô đã nghe “tiếng lòng của những người bạn sách” chia sẻ nỗi niềm khi văn hóa đọc ngày càng bị quên lãng. Thế là những cuộc thi đọc sách ra đời, cuộc thi ảnh đẹp với thư viện được phát động để lôi kéo mọi người đến với không gian tri thức của sách,… Chính những cách làm hay, sáng tạo này đã vực dậy tinh thần và niềm đam mê với những trang sách, với những giá trị cuộc sống vô giá.
Tiếp xúc với cô, chứng kiến những công việc cô làm, sự tận tụy với nghề nghiệp cô mang, ai cũng có chung cảm nhận: ở người phụ nữ này toát lên sự khoan thai, giản dị và cũng đầy sâu sắc… như sách vậy.
Trách nhiệm đi trước và nhẹ nhàng nâng đỡ phía sau…
Khép lại công việc chuyên môn bận rộn, cô lại khoác lên mình một chức trách tất bật không kém: Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Thủ Dầu Một. Ở vị trí một người lãnh đạo hoạt động đoàn thể của 800 CB-GV thì những bài viết về thành tích của cô phải được kha khá. Vậy mà, khi tôi tìm kiếm một chân dung điển hình cho cuộc vận động Hoc tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tôi ngỡ ngàng là cô chưa từng xuất hiện trong bất cứ bài viết nào. Lý do tại sao vậy? Câu trả lời luôn sẵn trên môi cô mỗi lần được tôi đề nghị viết về cô: em hãy viết về cô A, thầy B đi, các thầy cô đó có nhiều đóng góp hơn cô; Hay lần này em viết về bạn C đi, bạn ấy vừa đạt thành tích trong …; Cứ thế, từ lời giới thiệu của cô, những tấm gương điển hình trong dạy tốt, hoạt động tốt, nghiên cứu khoa học xuất sắc lần lượt được xuất hiện, được tỏa sáng. Và cô, chỉ giữ lại cho mình nụ cười mãn nguyện sau lưng.
Năm 2017, cô bắt đầu với công tác Công đoàn trong vai trò trưởng ban Nữ công. Thì cùng năm, với nhiều biến động trong đội ngũ lãnh đạo Công đoàn, cô được Đảng ủy trường giao trọng trách chuẩn bị tất cả các văn kiện cho Đại hội Công đoàn cơ sở. Nhớ lại thời điểm đó, cô nói mình đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ, phần vì chưa quen việc, phần vì những bậc tiền bối đi trước đều đã về hưu nên không thể hướng dẫn hay hỗ trợ nhiều. Vậy mà với kinh nghiệm của người làm công tác thư viện – lưu trữ lâu năm, với sự đồng hành của các bạn trẻ trong ban chấp hành, mọi dữ liệu đã được sắp xếp rõ ràng, văn kiện đại hội được thể hiện chỉnh chu, mạch lạc. Và cũng tại đại hội, cô được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường với số phiếu gần như tuyệt đối. Từ đây, trong đội ngũ Ban chấp hành nhiệm kỳ 2017 – 2022, cô Cẩm Vân trở thành đầu tàu dẫn dắt đội ngũ cán bộ trẻ mạnh dạn thực hiện nhiều hoạt động mới lạ, sáng tạo, đáp ứng đúng nhu cầu tinh thần và vật chất cho lực lượng lao động tri thức của trường. Những chương trình mang đậm dấu ấn riêng của công đoàn Trường lần lượt ra đời, như cuộc thi thời trang “Nét đẹp giảng đường”, thi văn nghệ “Giai điệu giảng đường”, hay cuộc thi “Phái mạnh vào bếp”, hội thi “Chưng mâm ngũ quả”, thi trang điểm “Rạng rỡ mỗi ngày”, hội thao truyền thống hàng năm,… Bên cạnh đó, sự quan tâm, chăm sóc đến từng cá nhân về sức khỏe, hiếu hỉ cũng được cô đôn đốc, nhắc nhở các tổ công đoàn thực hiện chu đáo. Câu lạc bộ cầu lông, câu lạc bộ khiêu vũ,… ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên đã trở thành không gian gắn kết, rèn luyện sức khỏe, giải trí cho các công đoàn viên sau những giờ làm việc bận rộn. Công đoàn trường Đại học Thủ Dầu Một cũng là đơn vị tiên phong khi chuyển tải các chủ điểm sinh hoạt của quý, của tháng thành các buổi tọa đàm, trao đổi thân mật. Có thể kể đến các buổi tọa đàm về chế độ, chính sách của cán bộ viên chức – người lao động, tọa đàm về hình ảnh người phụ nữ hiện đại,… đã thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia và trao đổi về những nội dung thiết thân trong đời sống của mình.
Với những người trẻ như chúng tôi, khi tham gia hoạt động dù muốn bung hết sức mình nhưng vẫn còn hạn chế về kinh nghiệm, hạn chế trong năng lực thuyết phục và tập hợp mọi người. Vậy mà dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của cô, chúng tôi đã dần trưởng thành, mạnh dạn, vững vàng trong từng công việc mình làm. Và vẫn với câu nói ngắn gọn: “cô ủng hộ”, là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, lao vào các hoạt động bất kể ngày giờ vì chúng tôi luôn biết: sau lưng mình luôn có bàn tay cô nhẹ nhàng nâng đỡ.
Một nhiệm kỳ hoạt động đầy dấu ấn sắp kết thúc và cũng chỉ còn vài tháng nữa cô cũng sẽ hoàn thành nghĩa vụ của một người viên chức. Khi tôi hỏi: “Đến lúc này, điều gì làm cô hài lòng nhất?”. Cô đã trả lời: “Cô hài lòng nhất chính là đã nhìn thấy một đội ngũ kế thừa đầy bản lĩnh, giỏi giang,… Nên dù sau này không có cô, thì mấy đứa vẫn sẽ làm rất tốt và hoạt động của trường mình sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa”. Chúng tôi cười vì đã từng không tin mình làm được, vì đã từng chán nản muốn bỏ cuộc. Nhưng sau cùng, cô vẫn kéo từng người đứng lên, đẩy chúng tôi về phía trước và để bây giờ như cô nói: Ban chấp hành Công đoàn trường Đại học Thủ Dầu Một đã là một đội ngũ cán bộ đầy năng lực, tâm huyết và sẵn sàng đương đầu với thử thách.
Lời kết
Lẽ ra bài viết về người Chủ tịch Công đoàn của chúng tôi phải được viết sớm hơn, viết nhiều hơn để thấy được những đóng góp quan trọng của cô cho quá trình hình thành và phát triển trường. Thế nhưng, khi ngồi trò chuyện cùng nhau, những thước phim quay chậm mát lành trôi qua như suối ngọt và cũng giống như tính cách điềm đạm, nhẹ nhàng của cô. Khi kết thúc những dòng chữ về cô – người thủ lĩnh của, tôi đã không nghĩ mình viết trong vai trò một người dự thi mà chỉ đơn giản là muốn kể một người phụ nữ đứng sau rất nhiều những thành quả mà tập thể Công đoàn trường Đại học Thủ Dầu Một đạt được. Vẫn vậy, cô luôn đứng phía sau nâng đỡ, động viên; và với chúng tôi, khi ngước nhìn về phía trước, vẫn là cô với nụ cười tin tưởng, yêu thương. Cứ thế, chúng tôi mạnh mẽ tiến bước.
Tác giả: Phan Nguyễn Quỳnh Anh